Cả đời si mê với Nghề kiểm toán
Ông Bùi Văn Mai
Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký
Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam
Nguyên Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán
Bộ Tài chính trong 10 năm (1998-2008)
Trong một cuộc giao lưu với sinh viên Học viện Tài chính Hà Nội, có bạn sinh viên hỏi tôi: “Nếu Bác còn trẻ, được chọn lại nghề nghiệp cho mình thì bác sẽ chọn nghề gì?” Tôi cảm ơn câu hỏi ấy và trả lời ngay: “Bác vẫn chọn nghề kế toán, kiểm toán”.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính 11/10/1956-2011, tôi bồi hồi nhớ lại những suy nghĩ và cảm nhận về nghề nghiệp của cả đời mình trong 40 năm qua.
Tháng 8 năm 1967, khi đó còn chiến tranh bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, tôi nhận được giấy báo nhập học Trường cán bộ tài chính, kế toán, ngân hàng Trung ương đang sơ tán tại huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Phú. Cái tên trường thật dài và không có chữ Đại học ấy cũng không gây cho tôi ấn tượng gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Có lẽ bố tôi công tác ở Bộ Tài chính nên họ gọi tôi đi học trường có chữ Tài chính.
Không thể nói hết nỗi vất vả trong cuộc sống sinh viên lúc ấy: hầu như không có một đồng tiền trong túi, phải tự làm nhà ở, hội trường học, chăn nuôi, trồng trọt, đào hào, không có một bộ quần áo lành lặn…việc học tập cũng cực kỳ khó khăn: học trên bàn tre, nứa tự làm, đèn dầu hỏa, không có tài liệu phát cho học sinh; thầy, cô đọc bài cho chép, ghi được gì thì biết thế, không có hầu như một phương tiện thông tin, tham khảo nào…chỉ được cái là nội dung học khi đó chưa nặng nề như hiện nay; học sinh trao đổi, thảo luận rất nhiều…
Tôi nhớ nhất những khái niệm trừu tượng về kế toán, nhất là chữ Nợ/Có; bên Nợ, bên Có; Tài sản Nợ, Tài sản Có…không có liên hệ gì với cuộc sống. Thầy, cô nói nhiều lần cũng không hiểu được. Có lần làm bài kiểm tra có bút toán: Tài sản Có tăng do nguồn tăng; Tài sản Có tăng do Tài sản Có khác giảm…tôi căng đầu không hiểu được, nhìn sang bạn, thấy bạn viết thế nào thì chép lại như thế…
Thế rồi cái khoa học, logic, chặt chẽ, tài tình của hai chữ Nợ/Có cho phép con người có thể phản ánh toàn bộ cái phức tạp, phong phú, rối rắm của hoạt động kinh tế, kinh doanh, sản xuất và phi sản xuất của một doanh nghiệp, một tổ chức và cả một ngành, thậm chí cả nước…vào một bản báo cáo tài chính, mà nếu là người có chuyên môn và kinh nghiệm có thể phân tích, đánh giá cả ngày về tình hình và kết quả kinh doanh, tài sản, tài chính của đơn vị đó…đã thu hút tôi từ lúc nào. Đến nay, ngoảnh lại đã 40 năm si mê, mết mệt về nó.
Nhận quyết định tiếp nhận cán bộ tập sự tại Vụ Chế độ kế toán và Báo biểu (Tên Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán lúc đó), tôi đến Vụ vào ngày 6/9/1972 do một bác chuyên viên ở Vụ Tổ chức cán bộ dẫn đến. Anh Trương Công Phú lúc đó là Phó Trưởng phòng Chế độ kế toán Xây dựng cơ bản đón tiếp tôi và dẫn sang gặp Bác Ngô Văn Ngộ - Vụ trưởng. Lần đầu tiên đến Bộ Tài chính, gặp các bác trong Vụ hầu hết đều là người lớn tuổi, cảm giác bỡ ngỡ, sợ sệt còn đeo bám tôi đến 10 ngày sau mới dám quay số điện thoại gọi hỏi thăm các bạn cùng lớp về cơ quan khác.
Với bản tính cần cù, ham công, tiếc việc…được bố tôi dạy bảo từ nhỏ và suy nghĩ sẽ cố gắng làm tất cả mọi việc được giao, dù chỉ là đọc, soát tài liệu, chép lại bản thảo viết tay do bị sửa chữa qua nhiều người; sắp xếp, dán tài liệu đi, đến vào các cặp có gáy…cho đến việc lau dọn bàn ghế, trình bày báo tường, đi thăm hỏi người ốm; đưa hàng hóa, thực phẩm do Vụ chia cho các gia đình…tôi đều làm cật lực, miệt mài. Về chuyên môn, mấy năm đầu hầu như chỉ là tự đọc tài liệu, đi thực tế ở các công trường, nhà máy…xem họ làm kế toán thế nào, tham gia và hướng dẫn họ làm những gì mình biết…Sau mấy năm, được Phòng và Vụ giao, tôi hăm hở viết các bài giảng đầu tiên về kế toán vật liệu, kế toán vật rẻ tiền mau hỏng, kế toán tài sản cố định…rồi được cử đi giảng ở các tỉnh xa. Cho đến năm 1978-1979, tôi đã được cử đi giảng nguyên một lớp chế độ kế toán doanh nghiệp cho các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre…; và năm 1985-1986 đã đi giảng nguyên lớp cho kế toán trưởng ngành du lịch ở Vũng Tàu, kế toán trưởng ngành Hàng Hải ở Nhà Trang…Văn bản chế độ kế toán những năm đó ban hành rất ít, cán bộ trẻ hầu hết chỉ đi kiểm tra kế toán và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện…
Từ năm 1970, hệ thống kế toán Việt Nam làm theo hệ thống kế toán thống nhất của Liên Xô (cũ), năm 1983-1985 tôi được cử đi học nâng cao ở Lêningrát. Về làm việc 2 năm lại được cử đi làm chuyên gia tài chính – kế toán ở Campuchia (1987/1988). Bước vào thời kỳ đầu đổi mới, tôi được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán và được cử đón tiếp và làm việc với người nước ngoài đã giúp tôi học tập được thật nhiều. Những hiểu biết mới về lĩnh vực kế toán theo chuẩn mực quốc tế và lĩnh vực kiểm toán độc lập đã thu hút tâm trí, sức sực còn trẻ trung, sung sức…và mong muốn khám phá một nghề nghiệp mới – kiểm toán độc lập, đã giúp tôi hăm hở nhận chức danh: Giám đốc công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) từ 13/5/1991.
Từ quan chức nhà nước quen với chế độ, chính sách, sang làm kinh doanh quả là không đơn giản; phải cạnh tranh, marketing, quảng bá sản phẩm, thu chi bằng tiền thực, lo toan cho người lao động…nhưng không làm giảm tâm huyết của tôi dành cho chuyên môn, nghề nghiệp kiểm toán mới mẻ. Lại những khái niệm thật mới về kiểm toán độc lập, quy trình, thủ tục hành nghề mới…đã giúp tôi lớn lên thật nhiều không chỉ cái hay, mặt phải mà còn cả cái dở, mặt trái của nghề nghiệp. Rủi ro nghề nghiệp và va chạm xã hội, đồng tiền…đã giúp tôi cứng cáp, vững vàng hẳn lên. Những chuyến đi học tập, khảo sát nước ngoài liên tục; kiến thức, kinh nghiệm quốc tế giúp tôi thay đổi cách nhìn nhận về Việt Nam: “Xét về từng con người riêng lẻ, Việt Nam ta rất nhiều nhân tài. Hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân mình cũng không thua, không kém cỏi so với các chuyên gia quốc tế danh tiếng mà mình đã gặp và cùng làm việc…Vậy sao chúng ta vẫn chưa làm được những gì các bạn đã làm. Riêng về nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng vậy…”
Với nhận thức mới như vậy, tôi đã dành hết tâm trí, nghị lực đúng vào thời sung mãn nhất cho việc xây dựng và phát triển Công ty kiểm toán Việt Nam VACO (Deloitte Việt Nam hiện nay). Tuy chưa đến đích vẻ vang như ngày nay, nhưng những nền tảng có được ở VACO đến năm 1998 là đã trở thành công ty kiểm toán Việt Nam lớn nhất, là thành viên một phần của Hãng kiểm toán quốc tế Deloitte – một trong 4 hãng Big 4 lớn nhất thế giới; VACO cũng là công ty tiền thân, đi đầu góp phần hình thành và phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam trong 20 năm qua.
Tháng 7/1998, tôi được Bộ điều động trở lại làm Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán và kiểm toán, tôi hơi bị đột ngột vì những ý tưởng còn dở dang ở VACO, nhưng cũng thấy vui với công việc mới dự kiến. Lúc đó vừa kết thúc Dự án kế toán – kiểm toán EuroTapViet, cánh cửa quốc tế rộng mở; bạn bè đồng nghiệp quốc tế bắt đầu biết đến Việt Nam và sẵn lòng hỗ trợ. Cả một núi công việc bày ra trước mắt. Thật là vất vả nhưng cũng thật là may mắn, có lẽ chưa bao giờ Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán có một đội ngũ cán bộ trẻ trung và sung sức như vậy. Tất cả đều được đào tạo theo thông lệ quốc tế qua 4 năm dự án EuroTapViet; 2 Phó Giáo sư, 6 Tiến sĩ, 8 Thạc sĩ; công việc lại đúng vào giai đoạn 2 đổi mới toàn diện hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam theo kinh tế thị trường, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cộng với những gì đã kết tinh được trong gần 30 năm học tập, làm việc tại Vụ và thực hành kế toán, kiểm toán tại công ty VACO đã giúp tôi phát lộ trong 10 năm làm Vụ trưởng. Có lẽ chưa có thời kỳ nào trong 55 năm qua Vụ ta gặt hái nhiều thành công đến thế, đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ mang ý nghĩa to lớn là đổi mới toàn diện, triệt để hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể: đã ban hành Luật kế toán (2003), 4 Nghị định hướng dẫn Luật, 2 Nghị định, nhiều thông tư, quyết định về kiểm toán độc lập, công bố 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam, ban hành nhiều thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán, nhiều chế độ kế toán doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp…Đã công bố 37 chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức kế toán, kiểm toán. Đã tổ chức thành công Hội nghị kế toán toàn quốc, tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh kế toán, thống kê (1988/2003), tổ chức Đại hội kế toán các nước Asean (2005), Hội nghị tổng kết 10 năm (1991-2001) và 15 năm (1991-2006) kiểm toán độc lập; thành lập Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA); lần đầu tiên chuyển giao một số công việc cho Hội nghề nghiệp; tạo lập và duy trì liên tục các kỳ gặp mặt cuối năm các thế hệ cán bộ Vụ Chế độ kế toán tại cả 2 miền hoặc tập trung cả nước. Lần đầu tiên Vụ chế độ kế toán và kiểm toán tổ chức kỷ niệm 45 năm và 50 năm thành lập Vụ…Những cán bộ, chuyên viên của Vụ trong 10 năm ấy hoàn toàn có quyền tự hào về những gì Vụ đã làm được khi đón nhận Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước trao tặng Vụ.
Kết thúc công việc ở Vụ, không một ngày nghỉ, tôi lại chuyển sang làm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thường trực Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) – một Hội nghề nghiệp mới mẻ, một mô hình Hội hoàn toàn mới đã hình thành từ năm 2005 và nay đang định dạng hoạt động, xác định chỗ đứng trên thương trường và trong lòng đồng nghiệp trong nước và bạn bè quốc tế. Trong các Hội xã hội nghề nghiệp đã có, cũng chưa từng có hội nào trực tiếp thực hiện soạn thảo văn bản pháp luật (chuẩn mực kiểm toán) trình Bộ ban hành; tham gia xây dựng văn bản pháp luật sát sao, thực tế; đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn bài bản, hiệu quả cho kiểm toán viên; tư vấn chuyên môn hàng ngày; thực hiện kiểm tra chất lượng dịch vụ sát sao và nhiều hoạt động khác có chất lượng, hiệu quả…như VACPA. VACPA cũng là tổ chức tự chủ tài chính và là nơi hội tụ nghề nghiệp của hơn 170 công ty kiểm toán, gần 2000 kiểm toán viên…
***
Mỗi người đều có ít nhất một nghề, nhưng chỉ trở thành nghiệp khi mình thực sự yêu thích, say mê, tâm huyết và dành trọn vẹn niềm tin. Nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tưởng như khô khan là thế, nhưng nó đã làm tôi si mê, mết mệt cả đời mình. Nghề không phụ người mà đã giúp tôi có được những gì các bạn đang thấy. 40 năm một nghiệp nghề và có thể thời gian còn hơn thế. Nhưng cho đến lúc này, tôi thấy lòng mình thật thanh thản vì đã sống, đã cống hiến cho nghề nghiệp và cho đời
(Định Công – Hà Nội 3/1 Xuân 2012)
Nguồn: vacpa.org.vn